VỊ CHÂN SƯ XỨ GALILEE

Vị Chân Sư xứ Galilee

 

– Tôi thắc mắc vài điều về cuộc đời đức Jesus, kinh thánh nói không rõ và một số chuyện nghe lạ lùng.

– Có nhiều lý do giải thích sự kiện ấy, nguồn gốc sách Tân ước là một, trình độ tâm linh người viết sách là hai và cái nhìn của người đọc là ba.

– Ông Leadbeater quan sát thấy rằng nguồn gốc bốn sách trong Tân ước không giống như quan niệm thường có, phải đấy là điều một chăng ? (1)

– Đó là một nguồn tài liệu, giờ chúng ta có thể xét một nguồn tài liệu khác. Tác giả Anna Kingsford dùng thông nhãn (clairvoyance) quan sát, và ghi rằng bốn sách được soạn bằng cách tổng hợp những chân lý căn bản đã trình bày trong các tôn giáo có trước khi đức Jesus sinh ra, nhằm dựng nên một tôn giáo mới. Nhiều chi tiết trong sách được "chế” ra, thí dụ con số 12 tông đồ như tác giả Leadbeater cũng đã nói (2). Ngoài những chi tiết có thật, cách làm việc của người soạn là nghĩ ra một câu chuyện rồi lồng vào đó chân lý, chẳng hạn việc đức Chúa chữa cho người mù và dùng cớ ấy để giảng về nhân quả và luân hồi.

Đi ra ngoài đề một chút, tưởng cũng nên biết là trong bản thảo đầu tiên của bốn sách, hai vấn đề nhân quả và luân hồi được nhắc tới rõ ràng. Vì những biến cố của thời đại lúc ấy, một số người nghĩ xa và đem gửi bản văn xưa nhất vào nơi họ tin là an toàn cũng như sách sẽ được giữ gìn cẩn trọng. Anh đoán xem ấy là nơi đâu ?

– Ở đâu ?

– Tu viện Phật giáo Tây Tạng !và đúng như họ tin tưởng, bản thảo đã nằm yên lành trong đó, chỉ được khám phá hình như vào thế kỷ trước (3). Nói tiếp về nguồn gốc sách, nhóm người soạn lấy chi tiết về cuộc đời các giáo chủ trước,như  đức Krishna, đức Phật, Orisis v..v… để viết cuộc đời đức Jesus. Họ không có ý làm câu chuyện mang nét siêu phàm mà muốn trình bày cái lý tưởng đẹp đẽ nhất con người có thể tiến tới; các vị ấy rút từ những hệ thống tôn giáo có sẵn hầu tạo nên một hệ thống mới, làm thỏa mãn ước nguyện cao quí nhất, cùng tượng trưng hình ảnh thánh thiện nhất của con người. Khuynh hướng duy vật của thời họ sống khiến những vị đó thấy cần phải viết để chấn hưng Thiên Chúa Giáo kẻo nó bị mai một.

Khi viết xong, thư viện Alexandria bị thiêu hủy với nhiều chủ tâm khác nhau. Có người thì muốn để vì vậy hậu thế sẽ chú ý đến một tác giả kinh thánh, thí dụ: John, Luke mà không nghĩ rằng sách là sự tổng hợp và góp nhặt từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau; kẻ khác lại muốn chứng cớ sách do người trần viết bị mất đi, và thế giới sẽ tin rằng kinh thánh có nguồn gốc siêu phàm (2).

– Ngoài tài liệu do quan sát bằng thông nhãn, có chứng cớ nào xác nhận ý vừa nói chăng?

– Có, chúng ta đi sâu vào chi tiết ở đây, nhưng Cyril Scott (4) và nhiều tác giả khác đã chứng minh là một số điều trong bốn sách được “xí" gần như y hệt từ kinh điển Ấn độ về cuộc đời của đức Krishna, hay từ kinh Phật, từ cổ thư Ai Cập.

– Sang điều hai, trình độ tâm linh của người viết ảnh hưởng thế nào đến nội dung sách ?

– Điều ấy rất nên tìm hiểu dù mới nghe qua có vẻ rắc rối.Trước hết, cần biết rằng đức Jesus là huyền bí gia và thiền gia, và nên giữ ý niệm ấy khi đọc kinh thánh. Người viết sách không nắm vững chi tiết của huyền bí học cũng như chưa có kinh nghiệm sâu xa của thiền, nên chân lý được trình bày theo cái nhìn của họ bị mất nét tinh túy, thâm diệu. Trong bốn sách nói về đời đức Jesu, chỉ có sách thánh John được coi là đúng hơn cả về mặt tâm thức. 

– Cuốn nào cũng nói tương tự nhau kia mà, cũng mô tả chặng đường đi qua của linh hồn trên đường đạo rồi vinh quang sau cùng.

– Nhìn chung là vậy, nhưng khi so sánh anh thấy thánh John bỏ qua những điểm sau: thụ thai vô nhiễm, sự cám dỗ, nỗi thương khó ở vườn Gethsemare và sự đau khổ trên thánh giá. Đó là chi tiết quan trọng cho ai đi tìm phần bí truyền của kinh thánh.

– Vì sao sự khác biệt của thánh John lại quan trọng ?

– Là một huyền bí gia và thiền gia, Chân sư Jesus đã có tâm bồ đề và bước vào trạng thái cao của thiền là Samadhi; nói khác đi ngài là con đường, sự thật, và sự sống, Phật giáo mô tả người ở mức độ ấy là ‘Thân tâm thường an lạc’, vì đã nhập làm một với sự sống. Thế nên về mặt tâm lý, Chân sư Jesus hay linh hồn nào có tâm thức bồ để không còn bị cám dỗ (vì linh hồn là sự thật, hiểu biết chân tướng của sự việc); về mặt thể chất, không có sự thương khó ở vườn Gethsemare hay đau khổ trên thánh giá vì hai lẽ:

● Ngài trụ tâm thức vào cõi bồ đề, nhập Samadhi và do đó không cảm thấy đau đớn thể xác.

● Thứ hai, tình thương của ngài hùng mạnh thắng lướt sự đau khổ nếu có. Như vậy thánh John mô tả một linh hồn đã tới quả vị Chân sư và do đó bỏ qua những chi tiết không đúng với tâm thức người như vậy, còn ba bản văn kia (Luke, Matthew, Mark) mô tả một linh hồn chưa phải là Chân sư, trải qua nhiều thử thách và cuối cùng đạt quả vị ấy.

Người sau chép kinh thánh cũng như các giáo sĩ, vì không phải là huyền bí gia hay thiền gia đã giải thích sai lạc, nhấn mạnh các điểm ngược hẳn với tâm thức các bậc Chân sư (Thân tâm thường an lạc), goi ngài là đấng thương khó, đấng Sầu Bi. Hãy thử nghĩ, con đường phụng sự là con đường vui (Kama Yoga), con đường giác ngộ dẫn tới sự bình an (Jnana Yoga) và con đường sùng tín chứa chan hạnh phúc (Bhakti Yoga); đức Chúa giảng có ba con đường dẫn tới sự đẹp đẽ thiêng liêng, có lẽ nào sự đẹp đẽ thiêng liêng lại nhuộm nét buồn rầu, đau đớn, bi ai chăng? Khi trình bày kinh thánh như vậy, các giáo sĩ đã dùng tâm thức phàm trần để đo tâm thức bậc giác ngộ với kết quả làm biến dạng chân lý, “sinh chuyện điên rồ, quái dị, giảng điều kỳ quặc, nhồi nhét vào đầu người nghe những trở ngại cản sự mở lòng" (5).

– Tới kinh điển thứ ba, cái nhìn của người đọc ảnh hưởng thế nào tới việc hiểu kinh thánh ?

– Vì đức Jesus là huyền bí gia ta cũng phải dựa vào huyền bí học để hiểu ý ngài. Khi nói (con người không chỗ gối đầu) ngài không ngụ ý rằng mình vô gia cư ! Tâm thức của linh hồn giác ngộ bao trùm mọi sinh linh không phân biệt và không còn trụ vào địa điểm riêng, đó là một chân lý nhiều người kinh nghiệm và được mô tả là ‘Tâm bất trụ xứ, thí dụ như vậy cho thấy phải dùng huyền bí học và thiền học khi đọc kinh thánh, hầu tránh sai lầm là hiểu nghĩa đen thay vì nghĩa bóng.

– Nếu chấp nhận rằng chân lý trong bốn sách kinh thánh là sự tổng hợp từ những tôn giáo khác nhau, thì Thiên Chúa Giáo không đưa ra một điều gì mới mẻ hay sao ?

– Chính thế, nhưng một tôn giáo đâu bắt buộc phải đưa ra điều gì mới mẻ. Chân lý căn bản, chân lý tuyệt đối có sẵn từ lúc mới tạo lập địa cầu; khi một tôn giáo ra đời nó trình bày chân lý tuyệt đối ấy dưới một hình thức mới, hợp với thời đại của tôn giáo ấy; hoặc nó nhấn mạnh điểm nào đó của chân lý căn bản, như Phật Giáo có nét chính là Minh Triết và Thiên Chúa Giáo là Tình Thương. Bởi vậy, cái nhìn hẹp hòi mới cho rằng tôn giáo mình là duy nhất chứa đựng chân lý.

Trở lại câu mở đầu, chuyện gì trong kinh thánh anh nghe thấy lạ lùng ?

– Chẳng hạn câu “Ta với cha ta là Một “ lời ấy không biểu lộ nét khiêm tốn vốn là điểm nổi bật của linh hồn giác ngộ.

– Người thốt ra lời ấy là một thiền gia, vậy mình phải dùng thiền học để giải thích. Ở đây, chữ “Cha" là thượng đế nội tâm, là Atma cao cả và ý chính là linh hồn đã nhập một với phần tinh thần thiêng liêng; khi nói như vậy đức Jesus nhắn tới hai điều:

● Ngài trình bày một kinh nghiệm thiền (mà ai chưa có sẽ không hiểu được, từ đó sinh ra hiểu lầm).

● Ngài tuyên bố chân lý sâu xa là con người cùng bản chất với Thượng Đế và lấy kinh nghiệm riêng của chính mình làm thí dụ. Làm thế ngài khiến đệ tử hiểu rằng chỉ ai có kinh nghiệm, đã có chứng thực tâm linh, đã giác ngộ mới có khả năng dẫn dắt người khác; bằng không sự việc y như người mù dẫn người mù và cả hai lọt tòm xuống hố vô minh.

Nhiều lần ngài giảng từ cương vị là một với Thượng Đế, hòa với Đại hồn, hầu giúp người nghe về sau thực hiện được sự hợp nhất ấy và được giải thoát; nói khác đi, chẳng những họ biết chân lý khi nghe giảng mà cũng sẽ trở nên chân lý ấy bằng kinh nghiệm của chính mình. Các đệ tử hiểu được ý ngài, nhưng khi lời giảng truyền ra cho công chúng ít hiểu biết, nó hóa thành lộng ngôn, tự cao tự đại mất đi tính chất thiền.

– Nói về hôn nhân, có khuynh hướng cho rằng tôn giáo có giá trị vĩnh cửu  và do đó phải duy trì ngay cả khi hai người liên hệ bị đau khổ. Chúng ta nên hiểu kinh thánh như thế nào ?

– Câu nói như sau: ‘Điều gì Thượng Đế đã kết hợp, con người không thể tách rời’, và dựa trên chân lý nói rằng Thượng Đế là sự yêu thương. Tình thương là lực hấp dẫn, vạn vật trong đời hiện tồn là nhờ tình thương kết hợp, như thế câu trên ngụ ý không được phép chia lìa những người đã kết hợp với nhau bởi tình yêu trọn vẹn và cao quý, vì tình thương là Thượng Đế hay là một thành phần của ngài, ngăn trở sự phát triển tình thương đồng nghĩa với ngăn trở ngài. Theo quan niệm ấy, tình thương chân thật bắt nguồn từ những kiếp trước liên kết linh hồn chặt chẽ với nhau, và bởi là một đặc tính của Thượng Đế nên thường hằng không bị hủy diệt. Nhưng không phải bất cứ hôn nhân nào cũng bắt nguồn từ tình yêu thiêng liêng, nó còn có thể do sự hấp dẫn của phàm ngã, thế nên có hôn nhân chỉ là ảo ảnh, kết quả của si dại, đam mê và như thế không có giá trị chân thật hay trường cửu. Cái trước không hoàn toàn ngụ ý chiếm hữu, ghen tương, ích kỷ; cái sau có những điều ấy và thường mang lại đau khổ phiền não buồn rầu.

Bởi sự khác biệt như thế, không một giáo sĩ nào do nghi lễ có thể biến cái sau thành cái trước, hay phán rằng hôn nhân ràng buộc hai người mãi mãi, rằng không được tách chia khi hạnh phúc, tình thương, sự kính trọng lẫn nhau không còn với lứa đôi ấy. Hơn nữa, khi chủ trương hôn nhân dưới đất cũng là hôn nhân trên trời, nó lộ ra sự thiếu hiểu biết về huyền bí học, vì linh hồn không có phái tính và do đó không lấy vợ lấy chồng. Kêu gọi Thượng Đế làm chứng nhân cho một nghi lễ ở trên chỉ khiến sự việc thêm phần dối trá; hôn nhân biểu hiện sự kết hợp chân thật nơi cõi trời, dùng biểu tượng để thánh hóa sự độc ác, xấu xa của một hôn nhân sai lạc là bôi nhọ biểu tượng đó, cũng như khi giáo sĩ viện dẫn lời ngài để không hóa giải cuộc hôn nhân gây đau khổ cho người liên hệ, họ thực sự đang hành tội người trong danh Chúa.

– Điểm nổi bật của đức Chúa và Thiên Chúa Giáo là Bác Ái, nhưng chúng ta nên hiểu Bác Ái theo quan điểm tinh thần, phải thế chăng ?

– Đúng vậy, cái trở ngại lớn lao của bậc giác ngộ khi thuyết giáo là xã hội hiểu lầm ý ngài. Đã sáng suốt, các ngài nói theo quan điểm của linh hồn thiêng liêng, dùng ngôn ngữ của huyền bí học và kinh nghiệm thiền. Khi nói cô gái mãi dâm gần nước trời hơn một người làm tròn bổn phận theo giáo luật, ngài đã dựa trên tính chất thiêng liêng trong vũ trụ là tình thương, còn người sau lạnh lùng tính toán, không chút lòng từ. Họ cúng dường, bố thí là để mua sắm một chỗ trên thiên đàng, để mong nhận được phần thưởng đời sau mà không vì từ tâm; với cô gái, vì tâm cô tràn đầy thương yêu, điều không phải nơi cô là khuyết điểm của tình thương (sự mù quáng) mà không phải là vì quá nhiều tình thương.

Do tình yêu và các đức tính khác, cô gái sẽ đạt hiểu biết tinh thần dễ dàng, vì người như vậy có can đảm vượt qua lề thói chật hẹp của đời, và cũng bởi họ đã từng đau khổ, sự đau khổ tinh lọc phàm ngã giúp họ tiến sâu vào chuyện tâm linh. Cái đáng nói là cô ý thức khuyết điểm (tội lỗi) của mình, hết sức mong muốn bỏ lỗi mà chưa biết cách, ngược lại người tự cho mình lành ngay không ý thức khuyết điểm mình, tin rằng họ không chút lỗi lầm và đã theo sát kinh thánh, kết quả là không hề có ý muốn sửa mình. Vì vậy các giáo chủ đến không phải dạy ai tin rằng họ đã tốt lành, bởi người như thế muốn dạy cũng không được, mà các ngài tới để giúp đỡ kẻ ý thức khuyết điểm của mình và muốn sửa lỗi.

Ta cũng nên biết thêm, sự hiểu biết tinh thần đến từ con tim (Bồ Đề tâm) mà không từ đầu óc (trí tuệ), vì thế chỉ có ai tâm thanh khiết, đầy lòng nhân và vô kỷ mới hiểu được Thượng Đế là thương yêu chân thật. Theo ý này, khi đức Chúa đã gặp người đàn bà Samaria đã có năm đời chồng và hiện đang sống với một người không phải là chồng mình, ngài đã dạy bà nhiều chuyện tinh thần đẹp đẽ mà không hề bảo hãy rời người đàn ông đang sống chung, vì ngài biết bà thương yêu ông và như vậy, tự nó là chuyện tốt lành.

– Còn lời nói: Ai có sẽ được thêm và ai không có sẽ mất đi cái họ tưởng là có, nghĩa là sao ?

– “Có" ở đây là nắm được những hiểu biết tinh thần, ai được vậy sẽ nhờ đó giác ngộ thêm, còn người chưa hiểu biết tưởng rằng vật giả tạm mà họ đang có là thuộc về mình, sẽ bị mất vật ấy vì nó chỉ là vô thường.

– Nếu tất cả chúng sinh đều là con Thượng Đế, vậy tại sao kinh thánh ghi Đức Chúa là con một của Thượng Đế, còn chuyện thụ thai vô nhiễm trinh nguyên có thật chăng ?

– Chúng ta không bàn về những quan điểm thần học liên quan đến câu hỏi này (6), chỉ xin thưa vắn tắt là bởi kinh thánh được chép sửa, dịch nhiều lần nên có chuyện tam sao thất bổn. Về chữ “con một", ta xét hai ý như sau:

●Theo Thiền học, chữ "monogene" không nên dịch là “con một” mà là “đơn độc trở nên", với ý linh hồn đồng hóa với các thể vật chất đã lâu, giờ được giải thoát hợp nhất với tinh thần thiêng liêng, nó đơn độc vì không còn vướng mắc những thể ấy cùng sự ràng buộc với cõi trần.

●Theo huyền bí học, “con một" được hiểu là linh hồn sinh ra từ nguyên lý duy nhất, không phải từ một đôi như sinh sản thường tình. Với sự thụ thai trinh nguyên, điểm nên lưu ý là đức Jesus không hề nói như thế về mình, mà là người soạn kinh thánh viết như vậy. Họ hiểu lời ngài theo ý vật chất thay vì ý tinh thần, tính cách trinh nguyên chỉ trạng thái tiên khởi của vũ trụ lúc chưa phân hóa và ngài dạy thêm: Mọi linh hồn đều thụ thai vô nhiễm, vô thủy vô chung, đều là con Thượng Đế (5).

– Nghe chị mệt quá, sao đức Chúa, đức Phật nói gì không nói thẳng mà dùng huyền bí học và thiền học chi vậy, một lời hai ba ý khiến người nghe hiểu lầm, sai một ly đi một dặm tội nghiệp người đi tìm chân lý chớ.

– Các giáo chủ đều phân đệ tử làm hai cấp: Nội môn và ngoại môn. Nội môn là hàng đệ tử hiểu nhiều do đó được truyền thụ phần chân lý bí truyền, còn chân lý công truyền giảng cho đệ tử ngoại môn và công chúng. Chân lý cũng như trình độ hiểu biết có nhiều cấp bậc, anh muốn ai cũng được giảng cùng chân lý như nhau thì giống như bắt trẻ sơ sinh và người trưởng thành cùng ăn sữa hay cùng ăn cơm. Kết quả hiển nhiên không cần bàn. 

– Sau chót, mình giải thích thế nào về thời trung cổ, khi giáo hội và giáo sĩ nhân danh Chúa làm nhiều việc ngược với triết lý của ngài ?

– Đó là diễn trình của chân lý, của sự tiến hóa, đi theo đường hình Sine lên dốc. Từ đỉnh A con người rơi xuống hố B, leo lên C cao hơn đỉnh A, cứ như thế tiếp tục cho đến chỗ cao nhất.

Diễn trình áp dụng cho sự phát triển cá nhân lẫn cho một tôn giáo.

dientrinhphattrien                                                                                     

                                                                                  

Lúc ban đầu Thiên Chúa Giáo ở điểm A có chân lý thuần khiết từ đức Chúa, qua những thế hệ sau giáo sĩ ít hiểu biết khiến chân lý biến dạng và tôn giáo rơi xuống điểm B nhưng rồi nó đi lên tới C trong tương lai khi có thêm chân lý được tỏ bày.

        Tin Tin

Sách tham khảo và đề nghị:

1.The Inner Life -  C.W. Leadbeater
2. Clothed in the Sun - Anna Kingsford
3. The Gospel of the Holy Twelve
4. The Adept of Galilee - Cyril Scott
5. The Vision of Nazarene - Cyril Scott
6. Esoteric Christianity - Annie Besant & C.W. Leadbeater
7. The Aquarian Gospel.

Geese